Khoảng một năm trở lại đây, mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P, một dạng kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực cho vay) bắt đầu phổ biến ở Việt Nam với sự ra đời của hàng loạt công ty cho vay trực tuyến.
Mô hình này đang phát triển mạnh mẽ ở các nước phát triển, nhưng nhiều ý kiến e ngại rằng khi vào đến Việt Nam, cho vay P2P sẽ có nhiều biến tướng gây thiệt hại cho người tham gia.
Thêm một kênh tiếp cận vốn cho người tiêu dùng
Xuất hiện lần đầu ở Anh, P2P là hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư có vốn với các cá nhân cần vốn nhưng không tiếp cận được với ngân hàng. Hiểu một cách đơn giản, đây là một hình thức cho vay theo kiểu Uber, Grab.
Năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, năm 2015 con số này lên tới 64 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, dự đoán đến năm 2025, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P toàn thế giới sẽ đạt hơn 1.000 tỷ USD.
Lending Club – doanh nghiệp P2P lớn nhất tại Mỹ – đã cho vay 31 tỷ USD trong vòng 10 năm qua và đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Mô hình P2P cũng bao gồm hình thức cho vay đảm bảo (thể chấp) và không đảm bảo (tín chấp) giống với hình thức các ngân hàng đang áp dụng hiện nay. Chỉ khác là việc thẩm định sẽ được tiến hành trực tuyến và nhà đầu tư có quyền lựa chọn đối tác cần vay trên nền tảng P2P, cũng như theo dõi nguồn lợi nhuận từ người được cho vay.
Một ưu điểm khác của cho vay P2P là mô hình này có tính bảo mật thông tin cao dựa trên công nghệ BigData thực hiện vai trò mã hóa, lưu và kiểm soát tất cả thông tin khách hàng. Qua đó, việc thẩm định thông tin khách hàng sẽ nhanh và rẻ hơn hình thức truyền thống. Lãi suất được tính dựa trên cơ sở phân tích thông tin tài khoản tín dụng, tài khoản mạng xã hội… và khách hàng sẽ được chia thành các dạng tương ứng như của ngân hàng truyền thống.
Hơn nữa, P2P ra đời được xem là giải pháp thay thế hình thức tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”, làm giảm các hoạt động cho vay trái pháp luật.
Tiềm năng phát triển ở Việt Nam
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Đây chính là mảnh đất “màu mỡ” cho lĩnh vực cho vay P2P.
Theo nhận định của nhiều người trong ngành ngân hàng, P2P tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm qua nhưng đến nay đã có gần chục doanh nghiệp cho vay theo mô hình này ra đời. Một số công ty P2P ở Việt Nam đã được các đối tác ngoại rót vốn đầu tư. Những tiện ích của P2P đối lập với quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe của ngân hàng truyền thống sẽ khiến mô hình này có cơ hội phát triển mạnh.