Cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending – viết tắt là P2P) là mô hình kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến. Có thể hình dung P2P hoạt động tương tự như mô hình Uber, Grab trong lĩnh vực cho vay.
Mô hình cho vay dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến và kết nối cộng đồng
Theo đó, người cần vay tiền sử dụng máy tính hoặc các thiết bị di động để đăng ký nhu cầu vay của mình thông qua ứng dụng. Hệ thống sẽ chấm điểm tín dụng để quyết định mức lãi suất cho vay phù hợp. Phía còn lại, nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi sẽ đăng ký nhu cầu cho vay.
Các thông tin về số tiền, lãi suất kỳ vọng, thời gian cho vay, mức độ rủi ro… của bên vay và bên cho vay sẽ được hệ thống sử dụng thuật toán matching để kết nối nhu cầu của hai bên một cách tối ưu. Nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi cũng có thể tự lựa chọn đơn đề nghị vay phù hợp hoặc quyết định chia nhỏ số vốn của mình vào nhiều đơn đề nghị vay để đa dạng hóa danh mục đầu tư và phân tán rủi ro.
Tính ưu việt của mô hình P2P là giảm thiểu đáng kể chi phí hoạt động trong quy trình cho vay nhờ loại bỏ vai trò trung gian của ngân hàng (vốn chịu gánh nặng chi phí của hệ thống chi nhánh và nhân sự vận hành đông đảo, chi phí đảm bảo thanh khoản).
Với lợi thế chi phí thấp, mức phí kết nối mà các công ty P2P thu từ khách hàng thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động của các ngân hàng. Kết quả là người cho vay sẽ nhận được lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, trong khi người đi vay phải trả lãi suất thấp hơn lãi suất vay từ ngân hàng. Tiết kiệm thời gian cũng là điểm nổi bật của mô hình P2P khi tất cả giao dịch và quy trình thẩm định, xét duyệt, giải ngân được thực hiện trực tuyến thông qua ứng dụng và các thiết bị di động.
Vấn đề quản trị rủi ro của mô hình P2P được thực hiện thông qua hệ thống chấm điểm tín dụng, mô hình phát hiện gian lận dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), bảo lãnh từ người thân và bảo hiểm khoản vay. Ngoài ra, do không tham gia vào các tổ chức bảo hiểm tiền gửi quốc gia, các công ty P2P thường thành lập quỹ dự phòng để trang trải nợ xấu, đảm bảo hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Nhiều công ty P2P cũng có sàn giao dịch thứ cấp giúp nhà đầu tư dễ dàng chuyển nhượng các khoản nợ để chốt lãi sớm hoặc cắt lỗ nếu phát sinh nợ quá hạn.
Một điểm nổi bật khác của mô hình P2P là hệ thống bảo lãnh cộng đồng, trong đó, bạn không thể tiếp cận vốn vay dễ dàng với lãi suất thấp nếu không có nhiều người sẵn lòng đứng ra bảo lãnh cho bạn. Nếu nợ xấu xảy ra, uy tín và khả năng tiếp cận vốn vay của người đi vay lẫn người bảo lãnh đều giảm sút. Vì thế, ai trong cộng đồng cũng phải cẩn trọng trong việc lựa chọn người mình sẽ đứng ra bảo lãnh, đồng thời họ cũng sẽ ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc thu hồi khoản vay. Hệ thống này hoạt động hiệu quả và kịp thời hơn nhiều so với việc cố gắng xây dựng đủ dữ liệu để thành lập một hệ thống tính điểm tín dụng như các ngân hàng đang thực hiện.
Thêm vào đó, thông thường, cứ một khoản vay được giải ngân, một vài người đã từng bảo lãnh cho khoản vay ấy cũng sẽ cần đến một khoản vay trong tương lai, và cộng đồng cứ thế lớn dần lên. Phương thức thẩm định, quản lý khoản vay và tiếp thị khách hàng như vậy có nét tương đồng với mô hình cho vay theo nhóm phụ nữ mà các ngân hàng trên thế giới lẫn Việt Nam đã thực hiện rất thành công. Mô hình P2P còn có sự cải tiến vượt bậc vì việc bảo lãnh cộng đồng bây giờ chỉ cần một cú chạm màn hình.
Tiềm năng phát triển nhưng thiếu hành lang pháp lý
Hiện nay, trên thế giới có năm công ty lớn nhất về cho vay ngang hàng, đó là Lending Club, Prosper, SoFi (đều ở San Francisco – Mỹ), Zopa và RateSetter (ở London – Anh), tạo ra hàng triệu khoản vay. Ở châu Âu và Trung Quốc, các mô hình này cũng phát triển khá mạnh mẽ dù với quy mô nhỏ hơn.
Chỉ tính riêng Lending Club – công ty cho vay P2P lớn nhất – tổng vốn vay đến tháng 5-2018 đã vượt mức 35 tỉ đô la Mỹ, gấp 70 lần so với mức 500 triệu đô la Mỹ thời điểm tháng 3-2012. Cuối năm 2014, Lending Club đã chính thức niêm yết cổ phiếu. Trong vài năm trở lại đây, cho vay P2P liên tục cải thiện năng lực của mình và trở thành một thế lực mới trong thế giới tài chính với tỷ lệ nợ xấu ở mức ổn định đáng kể.
Tại Việt Nam, đã xuất hiện một số công ty hoạt động theo mô hình P2P, điển hình là Tima (tập trung cho vay cá nhân) và Lendbiz (tập trung cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa)…Theo công bố của Tima, tổng số vốn giải ngân của công ty sau hơn ba năm hoạt động đạt trên 30.000 tỉ đồng với gần 1,5 triệu người vay và hơn 14.000 người cho vay. Sự xuất hiện của các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính theo mô hình P2P mở ra kênh tiếp cận vốn mới, đặc biệt là cho những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, mô hình hoạt động của các công ty này đang gây bối rối cho các nhà quản lý. Một công ty hoạt động theo mô hình P2P đúng nghĩa hoàn toàn chỉ đóng vai trò môi giới, kết nối giữa người cho vay và người đi vay. Các công ty này huy động vốn dưới hình thức góp cổ phần/góp vốn thực hiện dự án chứ không phải huy động tiền gửi, trả lãi suất như ngân hàng. Họ cũng không trực tiếp cho vay hay chịu rủi ro nợ xấu. Do đó, không thể coi các công ty P2P là tổ chức tín dụng để phải tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng hiện hành.
Vì thiếu hành lang pháp lý, hoạt động của các công ty theo mô hình P2P đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro đối với tất cả các bên tham gia. Một số công ty P2P trên thế giới (như Zopa) đang cố gắng tăng sự yên tâm cho nhà đầu tư bằng việc thành lập quỹ dự phòng với mục đích (nhưng không cam kết) có nguồn hoàn trả cho nhà đầu tư nếu phát sinh nợ xấu.
Một số công ty quy định mua bảo hiểm cho khoản vay để phòng ngừa trường hợp người vay vỡ nợ, qua đời hoặc mất việc. Hai biện pháp phòng ngừa rủi ro bổ sung nêu trên đều không được nhắc đến trong giới thiệu của các công ty P2P tại Việt Nam, có lẽ vì nếu áp dụng sẽ làm phát sinh thêm nhiều chi phí. Đây cũng là những vấn đề cần cân nhắc có nên đưa vào quy định bắt buộc hay không.