Việc nhận diện đúng bản chất của P2P Lending và tín dụng đen có ý nghĩa quan trọng giúp nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp phòng tránh rủi ro.
Nhận diện “bẫy” tín dụng đen
Theo chuyên gia tài chính, tín dụng đen là hình thức cho vay tín dụng không qua ngân hàng hay tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép mà do một tổ chức hoặc cá nhân có nguồn tài chính dư dả thành lập văn phòng, website kinh doanh để cho vay với mục đích trục lợi bất chính.
Tín dụng đen thường dùng “chiêu trò” áp dụng lãi suất được tính trên ngày, tạo cảm giác ban đầu là con số rất nhỏ, ví dụ chỉ từ 1-2%/ngày. Tuy nhiên, nếu quy đổi ra lãi suất theo tháng hay năm sẽ trở thành mức lãi “cắt cổ”. Ví dụ, lãi suất 1- 2%/ngày tính theo năm sẽ lên đến 360 – 730%. Trong trường hợp người vay chỉ được giải ngân 70%, thì thực tế họ sẽ phải trả lãi 1 năm hơn 500 – 1000%, vượt xa trần lãi suất cho vay trong các hợp đồng dân sự là 20%.
Một yếu tố “nhận diện” tín dụng đen khác là vay nợ nhưng không có hợp đồng tín dụng, chỉ có giấy xác nhận số tiền vay, với những thông tin cơ bản như số CMND, địa chỉ thường trú và đặc biệt phải cung cấp tên, và điện thoại của người thân, người quen…
Khi người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn thì các tổ chức này sẽ giới thiệu sang vay tiền của một tổ chức tín dụng đen khác, theo hình thức vay mới để trả nợ cũ, thực chất cùng là một chủ. Và bên cho vay mới cũng dùng những chiêu thức tương tự như bên cho vay trước. Cứ thế, nợ chồng nợ, không ít trường hợp người đi vay buộc phải trao hết tài sản đang sở hữu, thậm chí phải chạy trốn để thoát khỏi cảnh nợ nần và sự đe dọa từ các tổ chức nói trên.
Khi tín dụng đen giả danh P2P Lending
Thời gian gần đây, lợi dụng một số điểm tương đồng với P2P Lending, nhiều tổ chức tín dụng đen đã “núp bóng” dưới mô hình cho vay vốn ngang hàng, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân cũng như doanh nghiệp.
Thực chất P2P Lending là một trong những mô hình phát triển mạnh nhất của công nghệ tài chính (Fintech) hiện nay. Khác với các tổ chức tín dụng đen, các công ty P2P Lending không trực tiếp tham gia cho vay mà chỉ là đơn vị trung gian kết nối cộng đồng nhà đầu tư và các đối tượng có nhu cầu vay thông qua những nền tảng công nghệ hiện đại.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng hợp pháp sẽ có giấy phép đăng ký kinh doanh, có trụ sở với địa chỉ rõ ràng, có văn phòng và nhân viên làm việc trong giờ hành chính, có điện thoại, địa chỉ email để liên lạc. Hợp đồng tín dụng được soạn thảo chuyên nghiệp với tất cả các chi tiết về lãi suất, phí, thời hạn trả nợ, phương pháp tính lãi và trả nợ, nghĩa vụ và quyền lợi của bên vay và bên cho vay. Quan trọng hơn, lãi suất của các công ty P2P Lending rất minh bạch, rõ ràng theo đúng các quy định hiện hành.
Đại diện của FISA FINANCE – một doanh nghiệp uy tín hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending cho biết: “Một doanh nghiệp P2P Lending hoạt động chuyên nghiệp sẽ phải luôn tuân thủ các chế tài pháp luật về dịch vụ kinh doanh tài chính. Ví dụ, FISA FINANCE đang áp dụng mức lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn không quá 17%/năm theo đúng quy định và có đầy đủ giấy tờ pháp lý rõ ràng, minh bạch đảm bảo sự an toàn cho đơn vị vay vốn”.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, sự xuất hiện của những công nghệ tài chính (Fintech) trong đó có P2P Lending đang trở thành xu hướng tất yếu.
Mô hình này được nhiều chuyên gia tài chính đánh giá là giải pháp cần thiết để tạo ra những kênh dẫn vốn mới hiệu quả, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của tín dụng đen,đặc biệt tại những khu vực người dân khó tiếp cận các hình thức vay vốn truyền thống như ngân hàng, quỹ đầu tư….
Giải pháp tài chính thời công nghệ số
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, ước tính của Bộ Tài Chính cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của huy động vốn cộng đồng trong giai đoạn 2019-2023 khoảng 16,9%, tương ứng với tổng giá trị giao dịch sử dụng các giải pháp thanh toán số đạt 1,3 triệu USD vào năm 2023. Con số này chứng minh cho tiềm năng mạnh mẽ của những mô hình nhiều lợi thế như cho vay ngang hàng P2P Lending. Vấn đề còn lại là quản lý hoạt động của mô hình này như thế nào để phát huy tốt nhất hiệu quả của kênh dẫn vốn này?
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ đề án xây dựng chương trình thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho các công ty Fintech và P2P Lending.
Sau khi Chính phủ ban hành cơ chế thử nghiệm này, một số công ty Fintech và P2P Lending sẽ được mời tham gia chương trình thử nghiệm trong một thời gian khoảng 2 năm. Trên cơ sở những quan sát và kết quả thử nghiệm, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành quy định pháp luật cụ thể để chính thức cho phép một số đơn vị Fintech và P2P Lending hoạt động dưới sự giám sát của một cơ quan quản lý. Danh tính và địa chỉ của những công ty này sẽ được công bố rộng rãi. Như vậy, các tổ chức tín dụng đen sẽ hết đường núp bóng P2P Lending để hoạt động vì nếu lộ diện có thể bị xử lý dân sự và hình sự.
“Tuy nhiên, một khung pháp lý đầy đủ và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý mới chỉ là “điều kiện cần”. “Điều kiện đủ” để xóa bỏ tín dụng đen là sự hợp tác chặt chẽ của các thành phần kinh tế trong việc tẩy chay và tố cáo các tổ chức tín dụng đen hoạt động bất hợp pháp”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.