Một trong những lĩnh vực chính của Fintech (tạm dịch là Công nghệ Tài chính) là dịch vụ sàn kết nối người cho vay và người vay (Peer to Peer Lending), còn gọi là cho vay ngang hàng.
Sàn Fintech, từ những nguồn thông tin chính thức, kết hợp với những công nghệ thời 3.5, cung cấp những thông tin như xếp hạng tín dụng (credit scoring), xếp hạng uy tín cá nhân, uy tín xã hội … của người vay để người cho vay ra quyết định không cho vay, hay cho vay, lãi suất bao nhiêu.
Xem thêm: Cẩm nang cho vay ngang hàng P2P Lending cho người mới bắt đầu
Sàn Fintech, nếu thiết kế tốt sẽ chia nhỏ số tiền của người cho vay ra. Ví dụ ông A có 100 triệu sẽ không cho 1 ông B vay 100 triệu, mà sẽ cho 100 ông có xếp hạng tương tự như ông B vay, mỗi ông 1 triệu. Ông B1 nhận 1 triệu từ ông A, và 99 triệu còn lại từ 99 ông A1, A2, A3…
Dù gặp những khó khăn, thách thức còn lớn hơn những mô hình kinh tế chia sẻ khác như AirBnB: cho thuê sàn, Uber, Grab: sàn cho thuê xe, dịch vụ cho vay ngang hàng được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh, giúp tiền giao thông từ người có tiền qua những người cần tiền, mà khó tiếp cận ngân hàng hay các công ty tài chính. Nếu phát triển tốt, ngành này còn góp phần giảm các dịch vụ cho vay nặng lãi, tín dụng đen.
Hiện nay, do nhà nước Việt Nam chưa kịp ra luật, mà vẫn còn đang nghiên cứu cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox)… trong khi Nhà nước chậm chân vì thận trọng thì “ngành” cho vay ngang hàng này đã trăm hoa đua nở.
Có một số sàn đóng vai trò kết nối giữa các định chế tài chính, người cho vay với doanh nghiệp vay vốn, một số sàn làm người cho vay. Một số sàn khác gần như không thẩm định mà cho vay với lãi suất cao để bù lại rủi ro từ những người không trả nợ vay.
Nhiều biến tướng của startup cho vay ngang hàng núp bóng tín dụng đen, vì vậy người tham gia cần tìm hiểu kỹ các sàn P2P Lending uy tín.